Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia

Spread the love

Tong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Bộ Công Thương tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam với mục tiêu trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Sáng 28/11, Hội đồng Thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới. Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia về thương hiệu trong và ngoài nước, đại diện Sở Công Thương một số địa phương và các doanh nghiệp.

Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương nhấn mạnh: Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Đây là một chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn, được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện từ năm 2003 nhằm quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là một quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội thảo
Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội thảo

Sau 16 năm triển khai, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho THQG Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển thương hiệu.

Trong giai đoạn qua, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp… Trong thành tích đó, có sự đóng góp của Chương trình THQG Việt Nam (Vietnam Value).

Hội thảo thu hút các chuyên gia thương hiệu, doanh nghiệp
Hội thảo thu hút các chuyên gia thương hiệu, doanh nghiệp

Với việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Trước những yêu cầu của bối cảnh mới, hoạt động xúc tiến thương mại nói chung và và hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trong giai đoạn mới, để tăng cường hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ ngành và địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng, bổ sung các quy định pháp lý hỗ trợ hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Đặc biệt, ngày 08/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình THQG Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình THQG Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030. Đồng thời Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 33/2019/TT-BCT (22/11/2019) quy định Hệ thống tiêu chí Chương trình THQG Việt Nam.

Tại Hội thảo, Bộ Công Thương, Ban thư ký Chương trình THQG hướng đến tiếp thu ý kiến, trao đổi về các nội dung quy định tại 02 Quyết định và Thông tư nói trên, qua đó góp phần hướng tới thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chính sách, quy định của pháp luật hiện hành, giúp nâng cao hiệu quả hoạt hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ THQG Việt Nam.

Ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Ông Samir Dixit – Giám đốc điều hành Brand Finance khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Hội thảo đã nhận được được những ý kiến trao đổi về việc triển khai Chương trình THQG giai đoạn tới như vấn đề bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, cụ thể là các doanh nghiệp có hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được công nhận thương hiệu quốc gia. Phát triển thương hiệu trong thời đại công nghệ số, hội nhập. Công tác tuyên truyền, giới thiệu Chương trình THQG đến cộng đồng doanh nghiệp, địa phương. Tại hội thảo cũng đã tiếp nhận thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá các THQG trên thế giới và vị thế THQG Việt Nam do ông Samir Dixit – Giám đốc điều hành Brand Finance khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trình bày, chia sẻ…

Ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp được Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia ghi nhận
Ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp được Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia ghi nhận

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình THQG sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của Thương hiệu sản phẩm với các mục tiêu cụ thể như sau:

– Thực hiện có hiệu quả Chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước;

– Trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam;

– Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới;

– 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư;

– 100% sản phẩm đạt THQG Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu; Quảng bá, tuyên truyền về Chương trình THQG và các thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp đại diện cho THQG Việt Nam và tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực xây dựng và phát triển thương hiệu.

Nội dung của Chương trình THQG Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động ngoại giao, đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch.., từ đó xây dựng THQG Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*