Trước Vinpearl Air, những đại gia nào đã từ bỏ giấc mơ bay trên bầu trời Việt?

Spread the love

Một cái tên nổi tiếng như Vingroup cũng phải rút lui khỏi thị trường hàng không đủ để cho thấy tính khốc liệt của cuộc đua trên bầu trời Việt.

Là đại gia với tiềm lực kinh tế vững mạnh nhưng mới đây, Vingroup đã phải tuyên bố “đóng cửa” Vinpearl Air dù hãng hàng không này còn chưa một lần sải cánh.

Nhìn lại quá khứ để thấy rằng, không chỉ Vinpearl Air mà còn có nhiều hãng bay khác cũng từng phải từ bỏ giấc mơ bay trong cuộc đua khốc liệt.

Indochina Airlines

Cái tên Indochina Airlines từng làm mưa làm gió trong giới hàng không. Sau Vietjet Air, hãng hàng không của nhạc sĩ Hà Dũng là hãng hàng không tư nhân thứ hai của Việt Nam được cấp phép và đi vào hoạt động chính thức. Indochina Airlines khai trương đúng vào ngày sinh nhật của nhạc sĩ Hà Dũng là 25/11/2008.

Bay chưa đầy 6 tháng, Indochina Airlines bắt đầu gặp khó khăn về tài chính.

Indochina Airlines tên ban đầu là Công ty cổ phần Hàng không Tăng Tốc, tên giao dịch AirSpeedUp JSC, vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì cái tên ban đầu đọc như “Tang Toc” khi bỏ dấu chuyển sang tiếng Anh nên hãng đã nhanh chóng phải đổi lại tên thành Indochina Airlines.

Nhạc sĩ Hà Dũng thuê hai chiếc máy bay 737-800, mỗi chiếc có 174 ghế, theo dạng thuê “ướt”. Có nghĩa là vừa thuê máy bay, vừa thuê luôn đội bay là người nước ngoài. Tiếp viên trưởng cũng là người nước ngoài, còn người Việt chỉ là những tiếp viên phụ. Thời kỳ đỉnh cao, hãng khai thác khoảng 6 đường bay, chính thức cất cánh vào năm 2008.

Tuy nhiên năm 2009, bay chưa đầy 6 tháng, Indochina Airlines bắt đầu gặp khó khăn về tài chính. Tuyến bay TP.HCM – Đà Nẵng buộc lòng phải cắt bỏ, chỉ còn tuyến TP.HCM – Hà Nội. Thuê một chiếc máy bay có giá đến 15 tỷ, trong tình hình khó khăn, doanh nhân Hà Dũng đành phải trả lại bớt một chiếc. Năm 2011, hãng này đã phải xin ngừng cất cánh và biến mất khỏi bản đồ bay Việt Nam.

Cục Hàng không đã rút giấy phép bay của Indochina Airlines do hãng ngừng khai thác quá lâu và cũng không có một động thái nào cho thấy hoạt động trở lại.

Air Mekong

Air Mekong là hãng hàng không tư nhân thứ 3 thử sức tại thị trường Việt Nam. Air Mekong có tên gọi chính thức là công ty Cổ phần Hàng không Mê Kông, khởi đầu với đội bay gồm 4 chiếc Bombardier CRJ 900 đi thuê. Trong thời gian vận hành, hãng khai thác 8 điểm đến nội địa.

Chỉ trong trong hai năm hoạt động, Air Mekong đã ngốn khoảng 800 – 1.000 tỷ đồng

Air Mekong xuất phát sau hai đối thủ là Vietjet Air và Indochina Airlines khi tới tháng 10/2010 mới có chuyến bay thương mại đầu tiên.

Năm 2012, hãng này bắt đầu kinh doanh khó khăn. Chỉ trong trong hai năm hoạt động, Air Mekong đã ngốn khoảng 800 – 1.000 tỷ đồng, vượt quá sức chịu đựng của BIM, dù công ty mẹ đã lên kế hoạch lỗ trong vòng 3 năm đầu hoạt động.

Tháng 2/2013 hãng chính thức ngừng bay, trả lại 4 máy bay cho đối tác với lý do tái cơ cấu và tìm loại máy bay tốt hơn.

Indochina Airlines và Air Mekong đều có điểm chung là thuê, mua dịch vụ, phụ thuộc bên ngoài quá nhiều, trong đó có cả việc thuê hệ thống khai thác bảo đảm kỹ thuật, bảo dưỡng bảo đảm kỹ thuật với chi phí rất đắt.

Đầu năm 2015, bộ GTVT đã có quyết định hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cấp cho hãng này.

Pacific Airlines

Pacific Airlines là hãng hàng không cổ phần duy nhất ở Việt Nam.

Pacific Airlines là hãng hàng không cổ phần duy nhất ở Việt Nam, được thành lập năm 1991 với vốn điều lệ 40 tỷ đồng. Những cổ đông ban đầu bao gồm Cục hàng không dân dụng Việt Nam (Vietnam Civil Aviation) và 4 doanh nghiệp thành viên chiếm 86,49% cổ phần.

Sau nhiều lần đổi chủ, gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, đến năm 2007, Tập đoàn Qantas (Úc) đã đàm phán với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về việc mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines, trở thành cổ đông chiến lược.

Nhờ khoản đầu tư từ Qantas, Pacific Airlines đã cắt lỗ, tái cơ cấu. Tuy nhiên theo yêu cầu từ phía Qantas, hãng đã phải đổi toàn bộ tên và logo thành Jetstar Pacific, trở thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Qantas tại châu Á.

AirAsia “quá tam ba bận” thất bại trong việc lập hãng bay tại Việt Nam

Nếu nói hãng hàng không nào kiên trì với thị trường Việt Nam nhất, quán quân chắc chắn thuộc về AirAsia.

Giữa năm 2019, lần thứ 4 AirAsia thất bại trong việc xin thành lập hãng hàng không ở Việt Nam khi tuyên bố ngừng liên doanh với Thiên Minh Group.


AirAsia 4 lần thất bại trong việc lập hãng bay tại Việt Nam.

Lần đầu tiên AirAsia đã tham gia cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines năm 2005. Tuy nhiên, phần thắng trong cuộc đua lại thuộc về Qantas của Australia.

Lần hai, năm 2007, AirAsia liên doanh với Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Hai bên thậm chí đã đạt được thỏa thuận chung. Theo đó, AirAsia sẽ lo về phần bay và góp 30% vốn, Vinashin lo các thủ tục, giấy phép với các cơ quan điều hành để thành lập hãng hàng không.

Tuy nhiên, thần may mắn tiếp tục rời xa AirAsia khi Chính phủ không chủ trương cấp phép thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng bay có vốn đầu tư nước ngoài.

Lần thứ ba, năm 2010, AirAsia lại liên doanh với Vietjet Air của “Madam” Phương Thảo. Và một lần nữa đại gia này lại phải thất vọng.

Không từ bỏ giấc mơ bay trên bầu trời Việt, đầu tháng 4/2017, AirAsia tuyên bố liên doanh với Thiên Minh và Hải Âu để thành lập hãng hàng không mới. Theo kế hoạch, hãng bay sẽ cất cánh trong năm 2018. Tuy nhiên lần thử sức thứ 4 này của AirAsia để lập hãng bay tại Việt Nam vẫn không thuận lợi.

Nguồn: https://www.24h.com.vn/