Quên smartphone đi, công nghệ năm 2020 thú vị hơn bạn nghĩ

Spread the love

Nhà thông minh, mạng 5G… là những xu hướng công nghệ không mới nhưng sẽ đi vào cuộc sống một cách rõ nét hơn trong năm 2019.
Thập niên 2010 đã kết thúc với sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Từ xe hơi, TV, đồng hồ đến ngôi nhà của chúng ta, công nghệ xuất hiện ở mọi nơi mang đến những lợi ích trong cuộc sống.

Trong năm 2020 và 10 năm tới, công nghệ sẽ tiếp tục phát triển, thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Đây là 4 công nghệ được dự đoán sẽ “phủ sóng” triển lãm CES 2020 diễn ra từ 7/1, đồng thời trở thành xu hướng của thế giới trong năm nay.

Nhà thông minh ngày càng “khôn” hơn
Trong những năm qua, nhà thông minh trở thành mảnh đất cạnh tranh mới giữa Amazon, Apple và Google. Những trợ lý ảo như Alexa, Google Assistant hay Siri liên tục được cải tiến giúp chúng ta cập nhật thông tin, điều khiển mọi thiết bị trong nhà bằng giọng nói.


Thiết lập khó khăn là một trong những cản trở khiến người dùng e dè khi lựa chọn sản phẩm nhà thông minh. Ảnh: The Verge.

Tuy nhiên, việc thiết lập những thiết bị nhà thông minh còn phức tạp nên hầu hết chúng ta chỉ sử dụng trợ lý ảo để tìm kiếm thông tin, đặt hẹn giờ hay nghe dự báo thời tiết.

Đến tháng 12/2019, Amazon, Apple và Google đã hợp tác tạo ra tiêu chuẩn chung giúp những thiết bị nhà thông minh kết nối, tương tác lẫn nhau. Điều đó có nghĩa nếu mua bóng đèn hỗ trợ Alexa, bạn hoàn toàn có thể điều khiển nó bằng Siri hay Google Assistant.

Tóm lại, tiêu chuẩn mới nhằm đơn giản hóa việc thiết lập, điều khiển sản phẩm trên nhiều trợ lý ảo khác nhau.

Loại bỏ sự phức tạp là điều cần thiết để các công ty tiến đến mục tiêu tự động hóa việc điều khiển nhà thông minh mà không cần người dùng ra lệnh cụ thể. Nó sẽ cần đến trí tuệ nhân tạo thay vì chỉ “tự động hóa” nhờ vào hệ thống cảm biến và các chuỗi kịch bản bạn thiết lập sẵn trên ứng dụng.

“Bạn sẽ muốn chúng giao tiếp với nhau thay vì nghe lệnh từ bạn rồi mới hiểu. Nếu tôi mở cửa nhà, cánh cửa sẽ phát tín hiệu để đèn tự bật”, bà Carolina Milanesi – nhà phân tích công nghệ hãng nghiên cứu Creative Strategies, cho biết.

Mạng 5G phổ biến hơn
Năm 2019, thế giới bắt đầu đón nhận mạng 5G, công nghệ mạng mới cho tốc độ cao đến nỗi tải một bộ phim chỉ mất vài giây, cho phép xây dựng các hệ thống Internet of Things kết nối liền mạch.

Dù vậy, việc triển khai 5G chưa thực sự đồng bộ tại các quốc gia. Trong khi nhiều nước vẫn đang thử nghiệm, 5G mới chỉ có mặt ở một số ít thành phố tại Mỹ. Lượng smartphone hỗ trợ 5G còn rất ít.


So với 4G, mạng 5G cho tốc độ nhanh hơn, băng thông cao hơn, độ trễ thấp hơn.
Điều đó sẽ thay đổi trong năm 2020 khi có thêm nhiều nhà mạng thử nghiệm, triển khai công nghệ mạng mới. Việt Nam cũng đã lên kế hoạch để triển khai 5G trong năm 2020.

Không chỉ nhà cung cấp, các công ty sản xuất thiết bị đầu cuối cũng sẽ ra mắt nhiều smartphone hỗ trợ 5G. Nếu như năm ngoái, 5G chỉ xuất hiện trong một biến thể riêng của dòng Galaxy S10 hay Note10 thì năm nay, 5G sẽ là tiêu chuẩn trên dòng smartphone cao cấp của Samsung.

Không chỉ Samsung mà Apple cũng được đồn đại sẽ ra những chiếc iPhone hỗ trợ 5G ngay trong năm nay bên cạnh sản phẩm từ các hãng Trung Quốc như Xiaomi, Huawei… Ngoài lượng thiết bị nhiều hơn, giá bán rẻ hơn cũng sẽ giúp 5G tiếp cận đến nhiều người.

Bên cạnh tốc độ cao, độ trễ giữa các thiết bị 5G cũng ngắn hơn giúp các thiết bị liên lạc với nhau mà không gặp gián đoạn. Ví dụ, 2 chiếc xe trang bị 5G có thể lập tức cảnh báo nhau nếu một chiếc phanh gấp hay chuyển làn, điều không thể làm được nếu độ trễ mạng cao.

Thiết bị đeo thông minh
Trong vài năm gần đây, sự cạnh tranh khốc liệt khiến các hãng chăm chút, tạo ra những chiếc vòng đeo tay, đồng hồ thông minh tốt hơn.


Rất nhiều hãng gia nhập thị trường thiết bị đeo thông minh sau khi Apple Watch xuất hiện. Ảnh: The Verge.
Khởi đầu với Nike Fuelband, thiết bị nhỏ gọn đeo trên cổ tay có thể cung cấp những thông số cơ bản về sức khỏe thông qua ứng dụng kết nối với smartphone. Đến năm 2015, sự ra đời của Apple Watch là bước ngoặt của thiết bị theo dõi sức khỏe đeo tay khi có thể đếm bước đi, tính toán lượng calo, đưa ra cảnh báo khi chúng ta ngồi quá lâu và nhiều công cụ hữu ích khác.

Năm 2016, Apple ra mắt tai nghe không dây hoàn toàn AirPods tích hợp trợ lý ảo Siri, khả năng kết nối và đồng bộ hoàn hảo với các thiết bị thuộc hệ sinh thái của Apple. Nhờ ra mắt đúng thời điểm, Apple đã trở thành một trong những hãng sản xuất thiết bị đeo lớn nhất thế giới.

Sau Apple, rất nhiều cái tên lớn như Xiaomi, Samsung hay Huawei cũng gia nhập thị trường này. Cuối năm ngoái, Google đã chi 2,1 tỷ USD mua lại Fitbit nhằm hy vọng cạnh tranh sòng phẳng với Táo khuyết.

Với chip xử lý siêu nhỏ, những thiết bị đeo trong tương lai có thể đảm nhiệm nhiều công việc hơn, ví dụ như tai nghe theo dõi sức khỏe kiêm máy trợ thính.

Dịch vụ phát nội dung trực tuyến (streaming)
Chỉ trong 10 năm, cách chúng ta xem phim tại nhà đã khác rất nhiều khi xem phim trực tuyến dần thay thế các dịch vụ thuê băng đĩa. Netflix là một trong những dịch vụ trải qua sự chuyển mình này.


Sang năm 2020, Netflix sẽ phải cạnh tranh với nhiều ông lớn trong ngành công nghệ, phim ảnh để bảo toàn ngôi số một. Ảnh: The Verge.
Năm 2019, Netflix là dịch vụ xem phim trực tuyến lớn nhất tại Mỹ với thời gian xem trung bình 23 phút mỗi ngày. Xem video cũng chiếm đến 1/4 thời gian sử dụng thiết bị điện tử mỗi ngày.

Nếu thập niên 2010 chỉ có Netflix hay Hulu, sang năm 2020 nhiều đối thủ mới như Disney Plus, HBO Max, Apple TV+ hứa hẹn khiến cuộc cạnh tranh thị phần streaming hấp dẫn hơn.

Nguồn: https://news.zing.vn/