Những điểm nhấn trên thị trường ô tô Việt năm 2019

Spread the love

Năm 2019, khi việc nhập khẩu trơn tru hơn, nguồn xe nhập khẩu được các hãng đưa về đều đặn thì doanh số xe nhập khẩu cũng tăng mạnh.

Trong năm 2019, thị trường đón nhận thêm nhiều ô tô mới, đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu tiên của những chiếc xe thương hiệu Việt – VinFast

Năm 2019, thị trường ô tô Việt Nam có những thay đổi đột biến với cả người dùng cũng như các hãng xe. Một bức tranh có đủ mảng màu sáng, tối và sự mới mẻ là những gì có thể nhận thấy khi nhìn về một năm nhiều biến động.

Xe nhập khẩu tăng tốc

Cách đây hai năm, khi Nghị định 116 có hiệu lực, các đơn vị kinh doanh xe nhập khẩu, kể cả hãng xe lớn cũng rơi vào tình trạng khó khăn về nguồn cung. Trên thị trường, ô tô nhập khan hiếm, khách mua “đỏ mắt” tìm đại lý có hàng. Để mua xe, khách thậm chí phải chi thêm tiền chênh lớn với những mẫu xe nhập khẩu bán chạy.

Sang 2019, khi việc nhập khẩu trơn tru hơn, nguồn xe nhập khẩu được các hãng đưa về đều đặn thì doanh số xe nhập khẩu cũng tăng mạnh. Theo thống kê của VAMA, doanh số xe nhập khẩu tính đến hết tháng 11/2019 đạt gần 120.000 xe, tăng 98% so với cùng kỳ 2018. Ô tô nhập về Việt Nam có xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia do được hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Năm 2019, thị trường ô tô Việt Nam có những thay đổi đột biến với cả người dùng cũng như các hãng xe.

Nguồn hàng sẵn, đa dạng mẫu mã giúp xe nhập khẩu tăng trưởng mạnh, tạo cạnh tranh lớn với xe lắp ráp. Năm 2017, khi nhập khẩu ô tô chưa được áp dụng mức thuế 0%, doanh số xe nhập chiếm khoảng 29% tổng lượng tiêu thụ. Nhưng con số này đã tăng lên 41% tính đến hết tháng 11/2019.

Tân binh ghi dấu ấn

Trong năm 2019, thị trường đón nhận thêm nhiều ô tô mới, đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu tiên của những chiếc xe thương hiệu Việt – VinFast. Nếu như các thương hiệu lắp ráp lâu năm tại Việt Nam ra xe mới chỉ được xem là “thông lệ”, sự xuất hiện của cả 3 mẫu VinFast đã tạo “sóng lớn” trên thị trường với nhiều hiệu ứng tích cực. Lần đầu tiên, một thương hiệu xe của người Việt cạnh tranh tự tin và sòng phẳng với các hãng xe thế giới ở nhiều phân khúc và nhận phản hồi tốt từ phía người dùng.

Hãng xe Việt lựa chọn “tham chiến” ở phân khúc xe đô thị đa dụng với mẫu Fadil, trong khi đó, hai dòng Lux A2.0 và Lux SA2.0 cạnh tranh ở phân khúc cao cấp. Ở phân khúc cỡ A, Fadil “sinh sau đẻ muộn” nên lựa chọn cách trang bị nhiều tính năng, công nghệ an toàn hơn so với đối thủ. Bên cạnh đó, mẫu hatchback Việt cũng sở hữu động cơ mạnh mẽ nhất phân khúc.

Trong khi đó, hai dòng xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 nhận nhiều phản hồi tốt từ người dùng nhờ các tính năng thời thượng, trang bị cao cấp và trải nghiệm lái cực chất. Điểm chung tạo ấn tượng tốt ban đầu của cả 3 dòng xe VinFast nằm ở hàm lượng công nghệ, tiêu chuẩn an toàn cao trong khi giá bán lại cạnh tranh so với đối thủ.

Ngoài ra, VinFast dù “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường ô tô nhưng đã có những cách tiếp cận người dùng ưu việt. Chưa từng có tiền lệ, hãng xe sau khi bán cho người dùng lại tìm đến tặng quà tri ân theo chính sách như với người mới mua xe.


Khi xe nhập khẩu sẵn nguồn cung, việc thay đổi về trật tự xe bán chạy như nhiều chuyên gia dự đoán đã xảy ra

Tại Việt Nam, việc công bố cơ cấu giá xe, giá phụ tùng hầu như hiếm hãng ô tô nào làm, nhưng VinFast lại khác. Hãng công bố bảng giá phụ tùng khiến người dùng bất ngờ mức rất cạnh trạnh so với đối thủ. Ví dụ, một cặp gương cho mẫu Lux A2.0 hay Lux SA2.0 chỉ khoảng 5 triệu đồng – mức hiếm có đối với một mẫu xe tiền tỷ trên thị trường. Tính về lâu dài, chi phí sử dụng xe VinFast sẽ dễ chịu hơn nhiều đối với người dùng.

Để tăng thêm sự đảm bảo cho sản phẩm khi bán ra thị trường, VinFast đã rất “”chịu chơi” khi chủ động kiểm thử xe ở nhiều nước khác nhau. Kết quả, các dòng xe Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0 đều đáp ứng chuẩn an toàn cao nhất của ASEAN NCAP – Chương trình đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia, xe VinFast trang bị nhiều công nghệ an toàn hàng đầu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Hãng xe Việt không lựa chọn biện pháp cắt trang bị để giảm giá, thay vào đó, nhà sản xuất tích hợp nhiều nhất có thể các tính năng an toàn hữu dụng cho người dùng. Cách làm của VinFast được xem là “định nghĩa lại” giá trị ô tô ở Việt Nam, buộc những hãng xe ngoại phải có những thay đổi trong phát triển sản phẩm vì quyền lợi người dùng.

Xe lỗi gây hoang mang

Cũng trong năm 2019, người dùng một số dòng xe bị nhiều phen “tá hoả” khi các mẫu xe gặp lỗi không mong muốn. Honda CR-V, Nissan X-Trail, Mercedes-Benz C200… là những mẫu xe tiêu biểu.

Thời gian qua nhiều xe Mercedes C200 đời 2019 sau khi tới chính hãng kiểm tra tình trạng tuột chân ga máy gầm. Nhiều khách hàng phản ánh, khi xe đang đi bình thường thì xảy ra tình trạng máy cầm chừng, dù đạp hết ga xe chạy không quá 20km/h, rung bần bật, máy gầm rú. Có khách hàng năm bảy lần mang đến garage chính hãng để khắc phục nhưng bệnh cũ vẫn tái phát. Hiện hãng xe này vẫn chưa đưa ra được hướng khắc phục triệt để lỗi trên.

Mẫu crossover CR-V gặp hiện tượng phanh cứng khi sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình, khiến người lái không thể tác động lên chân phanh khi cần thiết. Tuy nhiên, đại diện Honda Việt Nam giải thích do người dùng có thói quen đặt hờ chân phanh liên tục dẫn đến thay đổi cách làm việc của cảm biến hỗ trợ an toàn. Trong trường hợp không mong muốn, hệ thống trợ lực sẽ mất tác dụng khiến tài xế cảm thấy khó đạp phanh. Hãng xe Nhật Bản đưa ra khuyến cáo người dùng nên đến đại lý để cập nhật phần mềm khi gặp hiện tượng trên.

Trong khi đó, mẫu Nissan X-Trail đời 2017-2018 bị hiện tượng dầu loang dưới gầm xe ở vị trí tiếp giáp giữa hộp số và động cơ. Nhiều người cho rằng đó là dầu hộp số hoặc động cơ bị rò rỉ. Tuy nhiên, Nissan Việt Nam khẳng định đó là hiện tượng bình thường, không phải rò rỉ dầu như phỏng đoán. Vết dầu loang thực chất là dầu chống gỉ khi vận chuyển hoặc lưu kho.

VinFast khi mới bán Fadil ra thị trường cũng vướng ồn ào do nước bắn từ hốc bánh sau qua phía đuôi xe. Ngay lập tức, hãng xe Việt đã có biện pháp cải tiến sản phẩm và khắc phục miễn phí cho những người đã mua xe.

Trật tự xe bán chạy xáo trộn

Khi xe nhập khẩu sẵn nguồn cung, việc thay đổi về trật tự xe bán chạy như nhiều chuyên gia dự đoán đã xảy ra. Nhiều dòng xe mới, nguồn gốc nhập khẩu có doanh số vượt trội so với những tên tuổi sừng sỏ trên thị trường.

Mitsubishi Xpander là một ví dụ điển hình. Dòng xe MPV nhập khẩu Indonesia có doanh số bán vượt nhiều đối thủ cạnh tranh. Mẫu xe của Mitsubishi sau thời gian khan hàng đã “bứt tốc” bán chạy nhất nhì thị trường. Doanh số Xpander có những tháng vượt qua cả Toyota Vios để đứng đầu thị trường.

Honda CR-V cũng là mẫu xe có sự bứt phá mạnh mẽ về doanh số. Kể từ khi sẵn nguồn cung, crossover Nhật Bản đã nhiều tháng liên tiếp vượt qua đối thủ Mazda CX-5 để đứng đầu phân khúc. Tính đến hết tháng 11/2019, Honda CR-V bán hơn 12.000 xe, trong khi Mazda CX-5 đạt gần 10.000 chiếc. Với khoảng cách lớn, mẫu crossover nhập khẩu Thái Lan sẽ duy trì ngôi vương trong phân khúc tại Việt Nam.

Nguồn: https://www.24h.com.vn/