Người trẻ có nên “liều” vay tiền mua nhà hay chờ tích lũy đủ?

Spread the love

Tốc độ tăng giá BĐS luôn nhanh hơn thu nhập tích lũy đã khiến nhiều người trẻ loay hoay trong bài toán: Vay ngân hàng để mua nhà khi tích lũy còn ít hay chờ tích lũy đủ mới mua nhà?

Dưới là câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ, quê gốc Nghệ An có thu nhập cả 2 vợ chồng (ở thời điểm hiện tại) là: 40 triệu đồng/tháng. Cách đây 2 năm thu nhập của cả 2 vợ chồng là 25 triệu đồng/tháng, cũng là thời điểm cặp đôi này mua được căn nhà tại Q.Thủ Đức, Tp.HCM với giá 2.2 tỉ đồng/căn (nhà trong hẻm, cấp 4). Hiện tại vẫn đang trong quá trình trả gốc – lãi ngân hàng cho khoản vay mua căn nhà này.
Nói về hành trình “liều” để mua nhà của mình, anh chồng (32 tuổi) chia sẻ: Hai vợ chồng có tích lũy ban đầu sau 1 năm cưới nhau là 500 triệu đồng. Khi đó, cả hai vợ chồng luôn có khát khao là mua được nhà ở TP để khi sinh con cái không còn cảnh thuê trọ trong căn phòng chật hẹp. Sau nhiều lần đi thăm dò đất đai, nhà cửa ở các khu vực Q.9, Q.Thủ Đức, khu vực Đồng Nai…nhận thấy, giá BĐS đã khá cao và đang trên đà tăng giá.


Khá nhiều người trẻ phải “liều” vay để sở hữu được căn nhà ở đô thị

“Khi đó, tôi nghĩ nếu mình không mua ở thời điểm này thì giá sẽ tiếp tục lên cao chứ không có chuyện dừng lại. Nếu mua không ở liền thì cũng là khoản đầu tư, được giá bán ra. Sau đó, tôi bàn bạc với vợ, quyết định vay bà con họ hàng hai bên (trong số đó có chỗ phải trả lãi) được thêm 700 triệu đồng.

Cộng với số tiền tích lũy được cũng hơn 1,2 tỉ đồng. Dạo một vòng thăm nhà đất, vợ chồng quyết định mua lại căn nhà cấp 4 trong hẻm 4m ở Q.Thủ Đức vừa tiện chỗ 2 vợ chồng đi làm, lại gần khu vực đông đúc cư dân với giá 2.2 tỉ đồng/diện tích 50m2. Tôi đã phải vay ngân hàng 1 tỉ đồng, với thời hạn vay 15 năm.

Hiện tại 2 vợ chồng vẫn trả lãi – gốc hàng tháng cho khoản vay này cùng với trả dần khoản vay của bà con họ hàng. Vợ chồng tôi đã giãn nợ và có được căn nhà cho con cái ở TP, lại gần chỗ đi làm”, anh chồng tâm sự.

Chị vợ tiếp lời: “Nói thật với em, nếu vợ chồng chị không liều để vay mượn thêm mua nhà thì không biết khi nào mới có căn nhà để ở. Nhiều lúc trả nợ cũng đuối lắm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại nếu mình không quyết định mua thì giờ vợ chồng con cái vẫn đi ở thuê, nhà thì lên giá liên tục, sao mà mua nỗi. Hiện tại, sau sự “liều” đó gia đình chị cũng có căn nhà của riêng mình, cố gắng tăng thu nhập để trả nợ mà lo cuộc sống”.

Theo tìm hiểu, hiện nay rất nhiều người trẻ trong độ tuổi 25-35 có nhu cầu về nhà ở tại các đô thị nhưng bài toán tài chính luôn trở thành rào cản lớn nhất đối với họ. Những người trẻ mới kết hôn thì luôn băn khoăn cưới xong tính mua nhà hay sinh con xong hãy mua. Những người đi làm được thời gian có tích lũy khiêm tốn thì băn khoăn, vay thêm mua nhà hay đợi tích lũy lâu dài rồi mua?

Đa số các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, đôi khi “liều” để mua nhà là một giải pháp với điều kiện thu nhập của vợ chồng trẻ ổn định, có thêm thu nhập thụ động. Còn nếu “liều” trong trường hợp vay quá sức để mua nhà trong khi thu nhập không cao sẽ khiến người trẻ đuối sức, áp lực tài chính. Thậm chí đã có những trường hợp vợ chồng trẻ sau khi liều mua nhà, vì áp lực tài chính đã phải bán nhà để trả nợ.

Theo một số chuyên gia, hiện nay tốc độ tăng giá BĐS ở Việt Nam luôn cao hơn tốc độ tăng thu nhập. Do đó, người trẻ vẫn nên cân nhắc bài toán khi có thu nhập ổn định cần dùng đòn bẩy tài chính (vay thêm) để có thể sở hữu nhà thay vì tích lũy lâu dài mới mua thì rất khó.

Theo nghiên cứu của Savills trước đó, cho thấy thế hệ trẻ với tiềm lực tài chính hạn chế đang càng lúc càng gặp khó khăn trong việc mua nhà để ở trong bối cảnh cần có nguồn lực tài chính lớn hơn để đáp ứng giá nhà cao hơn và đặt cọc nhiều hơn.

Thế hệ Y (hay còn gọi là thế hệ Millennials, sinh năm 1981 – 1991) còn được biết đến là thế hệ đi thuê nhà, hiện đang hoãn lại những việc trọng đại như kết hôn, sinh con. Một trong những yêu cầu cần có để mua nhà hiện nay chính là có 2 người kiếm thu nhập. Tuy nhiên, việc sở hữu nhà ở đối với những khách hàng dưới 35 tuổi cũng khá khó khăn.

Theo ghi nhận, hiện thu nhập của khách hàng trẻ chưa thể đáp ứng được với giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Giá một căn hộ chung cư trung cấp 2 phòng ngủ tại Hà Nội dao động từ 3 – 6 tỉ đồng. Trong khi mặt bằng thu nhập tại Việt Nam chưa thể sánh ngang.

Còn tại Tp.HCM, đã có những dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ hướng đến đối tượng khách hàng này nhưng số lượng cũng chỉ nhỏ giọt so với nhu cầu của người dân. Trong khoảng 2 năm nay, phân khúc căn hộ hạng C tại Tp.HCM có sự sụt giảm và luôn bị áp đảo căn hộ hạng A và B, thậm chí có những tháng không có nguồn cung mới. Dường như những căn hộ có giá 23 – 25 triệu đồng/m2 tại Tp.HCM đã tuyệt chủng.

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam, cho biết giá nhà đất tăng quá nhanh đã khiến ước mơ sở hữu nhà của người trẻ ngày càng xa vời. Hiện nay thu nhập 25 triệu đồng/tháng, người trẻ rất khó để mua nhà. Nếu mua được thì phải đi “vùng xa xôi” trong khi hạ tầng giao thông lại là nút thắt.

Nguồn: http://cafef.vn/