Mua sắm dịp Tết thời 4.0 có gì đặc biệt?

Spread the love

Không còn cảnh chen lấn lại chợ hay xếp hàng dài chờ thanh toán tại quầy thu ngân của các siêu thị dịp cuối năm, việc sắm Tết ngày nay đã trở nên dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều.
Đi chợ Tết là một trong những việc không thể thiếu của gia đình trước khi bước vào năm mới. Tuy nhiên, sắm Tết đã không còn chỉ gói gọn trong khuôn khổ những khu chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng khi gần như mọi sản phẩm tiêu dùng đều đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử cũng như các kênh bán hàng online trên mạng xã hội.

Là người luôn tất bật giữa việc nhà và việc tại cơ quan, dành thời gian đi mua sắm ngày Tết với chị Trà (32 tuổi) được xem là một áp lực lớn.

“Bình thường tôi đã rất ít có thời gian đi mua sắm, cả tháng mới thu xếp công việc để đi một lần. Thêm nữa những ngày giáp Tết tất cả siêu thị lớn, chợ gần nhà, cửa hàng đều rất đông đúc, trong khi lượng hàng hóa của ai cũng lớn, có khi một lần đi sắm Tết có thể kéo dài cả ngày trời”, chị Trà chia sẻ.


Nhiều người vẫn cho rằng chợ Tết là nơi mọi người cảm nhận được không khí đông vui, náo nức của ngày Tết. Ảnh: Quỳnh Trang.
Bởi vậy, chị cho biết 2 năm trở lại đây, chị đã bắt đầu chuyển sang việc sắm Tết qua mạng, từ các loại đồ gia dụng đến những thực phẩm cần thiết. Chỉ cần lên các trang thương mại điện tử, chọn những sản phẩm cần mua, thanh toán và giao hàng đến nhà.

Bên cạnh đó, các thực phẩm đặc biệt ngày Tết như bánh chưng, giò lụa, giò xào, hạt bí, mứt… cũng được các chị em nội trợ tìm đến dịch vụ đặt làm sẵn, tùy theo khẩu vị của gia đình với giá cả hợp lý đồng thời lại tiết kiệm thời gian.

Đánh giá về sự khác biệt giữa mua sắm ngày Tết thời 4.0 với trước kia, chị Trà nói vui: “Bây giờ có thể sắm cả cái Tết chỉ qua một cái điện thoại, không tắc đường, không xếp hàng, mình lại có thời gian cho gia đình nhiều hơn”.

“Ký ức về những phiên chợ Tết ngày nhỏ khi theo chân bố mẹ đi mua đào mua quất tôi vẫn nhớ như in. Chính vì vậy, dù bận tôi vẫn sắp xếp đưa trẻ con đi mua 1-2 bộ quần áo mới hoặc ra chợ hoa để có không khí”, chị Trà nói thêm.

Bên cạnh đó, các kênh thanh toán điện tử cũng đang thể hiện ưu thế của mình trong dịp mua sắm lớn nhất trong năm.

Chị Thảo sống ở Hà Nội kể lại nỗi ám ảnh khi dịp Tết năm 2018, hàng loạt cây ATM khu chị sống và làm việc đều hết tiền, hoặc không cũng là hàng người dài dằng dặc chờ rút tiền tiêu Tết.

“Hà Nội 28 Tết tắc đường liên tục, đi đến đâu cũng báo cây hết tiền mà thời gian xếp hàng đợi không có, đồ cần mua lại rất nhiều, nghĩ lại thấy hãi hùng”, chị nói.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều dịch vụ, cửa hàng, siêu thị đều có thể thanh toán qua thẻ hoặc ví điện tử, chỉ cần quẹt thẻ hoặc scan mã đơn hàng, không cần sử dụng tiền mặt. Chị Thảo cho biết kể từ khi chuyển sang dùng các loại ví điện tử và thanh toán qua thẻ, chị chỉ giữ trong ví khoảng 5-7 triệu tiền mặt phòng có việc cần dùng gấp.

Chị Thảo nói: “Năm nay tôi cũng chỉ rút một ít tiền, còn lại mua sắm gì đều thanh toán trực tuyến rất nhanh gọn, không phải lo chuyện đổi tiền lẻ hay trả tiền thừa. Thêm nữa, giá cả hiện nay đa số đều đã niêm yết, hiếm có chuyện mặc cả, bớt một thêm hai như các phiên chợ Tết ngày trước”.