Ai cũng muốn ăn nông sản sạch, người nông dân phải làm sao?

Spread the love

Người nông dân muốn làm nông sản sạch đang khó đủ đường do làm nông kiểu khác, từ việc sử dụng phân, thuốc, liên kết chuỗi đến việc phân phối.

Đó là ý kiến của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – Người tiêu dùng có chủ đề Thực phẩm sạch dành cho ai. Sự kiện do Soha.vn tổ chức tại TP HCM ngày 28/12.

Bà Hạnh đề cập đến khó khăn chung của người làm nông nghiệp sạch mà bà gọi là cái Trớn. Bà giải thích rằng cái Trớn đang đi của nông nghiệp Việt Nam là sau nhiều năm thành công về đảm bảo an ninh lương thực là tiếp tục giữ vững thành tích về sản lượng, dùng mọi biện pháp kích thích cho đất tăng vụ, tăng năng suất…. Những điều này dẫn tới các vấn nạn như bất chấp chất lượng, giá trị, môi trường, kéo theo thu nhập, đời sống, sức khỏe của người nông dân ngày càng sa sút.

Theo bà Hạnh, làm nông sản sạch là đang đi ngược với cái Trớn này nhưng đúng theo xu thế của “hai ông mang tên trường” là môi trường và thị trường. “Nếu không đáp ứng được yêu cầu của 2 “ông trường” này thì sẽ mang tên “đoạn trường”, bà Hạnh ví von.

Nông dân gặp khó đủ đường khi làm nông sản sạch

Bà Hạnh cho rằng nông dân gặp đủ thứ khó do làm nông nghiệp kiểu khác, chẳng hạn như sử dụng phân, thuốc được phép, thực hành VietGap và các tiêu chuẩn khác, liên kết theo chuỗi để truy xuất được nguồn gốc hay sản phẩm làm ra không bán được. Đầu ra đang là ưu tư lớn của nông dân.

Bà lấy ví dụ Cần Thơ cấp cho nông dân 6 điểm bán thực phẩm sạch ở những vị trí đẹp nhưng không quảng bá nên người mua vẫn rất đìu hiu. Người bán và người mua chưa gặp nhau.

Bên cạnh đó, quản lý nông nghiệp cũng còn nhiều bất cập. Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp kể lại câu chuyện người quản lý của Cục bảo vệ thực vật đã nhận được nhiều câu hỏi của nông dân trong một sự kiện. Nông dân nói rằng phân bón giả tràn lan thì làm sao nông dân phân biệt được. Nhân sự đến từ Cục bảo vệ thực vật cam đoan rằng không có phân bón giả. Tuy nhiên, câu chuyện thực tế thì hoàn toàn khác.

Bà Hạnh cũng chỉ ra rằng nông dân gặp khó khi phải chạy theo quản lý nhà nước. Bà từng nghe nông dân nói: Chúng tôi không có khả năng tra cứu theo Thông tư 03/2016 của Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn để chọn đúng loại thuốc cho đối tượng cây trồng. Vậy nếu bây giờ tôi chúng tôi tìm danh mục thuốc tách riêng theo từng cây trồng thì tìm ở đâu?

Câu trả lời của cơ quan chức năng là lên trang web của Cục Bảo vệ thực vật để tìm. Hôm đó, tôi có hỏi anh lãnh đạo Cục Trồng trọt tên trang web là gì, ảnh mới gọi về nhà hỏi vì không nhớ”, bà Hạnh kể.

Bà Hạnh kể thêm, khi tìm hiểu cách đăng ký thuốc trừ sâu thì bà rất bất ngờ vì không thấy có quy định thuốc bảo vệ thực vật đối với rau muống.

Bà nói tiếp: “Trong một cuộc họp, nông dân hỏi nếu phun thuốc trừ sâu sinh học đăng ký của cây khác cho cây rau muống có được hay không thì lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nói không được”. Bà đặt ra câu hỏi: Vậy bây giờ người nông dân phải làm sao?

Bà Hạnh đề cập đến câu chuyện VinEco. VinEco khi trồng các loại rau thì có trồng rau muống, nhưng tìm mãi không có loại thuốc nào dùng cho rau muống nên mới tìm đến Bộ Nông nghiệp để xin.

Bộ Nông nghiệp đã đề nghị VinEco đóng tiền rồi cùng với Bộ khảo nghiệm lâm sàng rau muống trong vòng 2 năm. Sau đó, VinEco xin đặc cách rút ngắn xuống còn 6 tháng.

Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp dẫn giải thêm rằng, khi đi đến ngọn ngành thì việc đăng ký thuốc bảo vệ thực vật không phải do Bộ Nông nghiệp khảo cứu đưa ra mà do doanh nghiệp đề nghị. Doanh nghiệp thì không ai kinh doanh rau muống, họ kinh doanh những loại khác có giá trị hơn còn rau muống chỉ do những người nông dân nghèo làm.

Nguồn: http://cafebiz.vn/